Tên gọi Nhạc_vàng

"Nhạc Vàng" là một khái niệm được sử dụng theo sự phân loại chính thức của nhạc sĩ Trần Hoàn khi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Người đề xuất sự phân loại này là nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Theo đó, âm nhạc được phân loại theo "màu sắc", màu vàng tượng trưng cho sự vàng úa, hoàng hôn, khô héo, ru ngủ với hàm ý tiêu cực cho các bài hát trữ tình buồn. Màu đỏ (nhạc đỏ, hồng ca) được ghép cho nhạc cách mạng, nhạc chiến tranh quân sự và nhạc đoàn đội, hùng ca, tỉnh ca, nhạc phong trào Thanh niên xung phong, những bài hát có màu sắc chính trị cách mạng. Màu đỏ với hàm ý tích cực, tượng trưng cho sự tươi sáng và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ hăng hái góp sức, xây dựng, cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho quốc gia dân tộc và cộng đồng xã hội.

Cách phân loại này bắt chước từ Trung Quốc, vì trong Hán ngữ nhạc màu vàng (黃色音樂, Hán Việt: hoàng sắc âm nhạc) được hiểu là nhạc tình thời thượng của thập niên 1930, dòng nhạc này phổ biến ở Thượng Hải. "Nhạc màu vàng" theo đó bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt". Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Trung Quốc cũng có hai màu nhạc chính là hồng ca (nhạc đỏ, nhạc cổ vũ quân sự chính trị) và hoàng ca (nhạc vàng, nhạc trữ tình thời thượng được cho là có xuất xứ từ Thượng Hải thời kỳ quân phiệt), nhạc vàng Trung Quốc bị coi là dòng nhạc phản động, khêu gợi luyến ái và có tính chất "ô uế" văn hóa, có hại cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển văn hóa lành mạnh.

Còn ở miền Nam Việt Nam và sau này ở hải ngoại, khái niệm nhạc vàng thường được hiểu là chất liệu (golden) chứ không phải màu sắc (yellow). Ví dụ, Trung tâm Asia từng thực hiện chương trình Tình khúc sau cuộc chiến - 30 Years of Golden Hits. Nhà nghiên cứu nước ngoài khi viết sách cũng gọi là Golden Music.[1]

Sau năm 1975, một số người làm âm nhạc ở miển Bắc có lúc gọi nhạc vàng là nhạc sến với ý châm biếm.[2]